(HQ Online) -Tính đến ngày 31/5, toàn Ngành thu đạt 186.649 tỷ đồng, bằng 53% dự toán, đạt 50,4% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, dầu thô vẫn là nguồn thu ghi nhận mức tăng cao nhất đóng góp vào ngân sách.
Trị giá hai chiều đều tăng cao
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, mặc dù trong tháng 5 tổng trị giá XNK hàng hóa của cả nước đạt 63,5 tỷ USD, giảm 3,4% so với tháng 4 nhưng tổng trị giá XNK 5 tháng đầu năm vẫn đạt 306,15 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch NK đạt 152,8 tỷ USD, tăng 15,3% và kim ngạch XK đạt 153,3 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đại diện Cục Thuế XNK, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch NK có thuế của một số mặt hàng chính tăng so với cùng kỳ năm trước như: dầu thô đạt 4,1 triệu tấn, trị giá 2.569 triệu USD, tăng 4,6% về lượng, tăng 44% về trị giá; xăng dầu các loại đạt 3,3 triệu tấn, trị giá 3.345 triệu USD tăng 17,1% về lượng, tăng 121,6% về trị giá.
Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm hầu hết các mặt hàng thống kê được khối lượng đểu giảm lượng NK (trừ xăng dầu, dầu thô), nhưng do giá tăng nên kim ngạch của các mặt hàng này tăng 22,6%. Trong đó, các mặt hàng không thống kê được số lượng trị giá chỉ tăng 6,5%.
Với trị giá hai chiều xuất và nhập đều tăng đã tác động mạnh đến số thu ngân sách trong 5 tháng qua của Ngành. Cụ thể, tính đến ngày 31/5, toàn Ngành thu đạt 186.649 tỷ đồng, bằng 53% dự toán, đạt 50,4% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, dầu thô vẫn là nguồn thu ghi nhận mức tăng cao nhất đóng góp vào ngân sách với tổng thu khoảng 2.128 tỷ đồng và mặt hàng xăng dầu các loại giúp tăng thu khoảng 8.621 tỷ đồng.
Theo phân tích của đại diện Cục Thuế XNK, do cầu tiêu dùng trong nước trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 tăng khá đã tạo đà cho nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2022. Trong đó, hiện giá dầu Brent đang dao động trong khoảng 107 – 110 USD/thùng có những tác động tích cực đến thu từ dầu thô trong 5 tháng đầu năm 2022.
Thu ngân sách trong 5 tháng đầu năm của ngành Hải quan tăng mạnh khiến dư luận băn khoăn về việc nền kinh tế vừa mới phục hồi, DN vẫn đang gặp khó khăn nhưng thu ngân sách đều đạt cao, liệu có tình trạng lạm thu, ảnh hưởng đến DN? Theo đại diện Bộ Tài chính, trước khó khăn của DN, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội có những điều chỉnh về chính sách thu ngân sách. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất hàng loạt chính sách hỗ trợ miễn, giảm, giãn rất nhiều loại thuế, phí, lệ phí và các khoản thu NSNN cho các DN được ban hành, tập trung vào các DN gặp khó khăn hoặc các DN vừa và nhỏ, giúp DN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Mặt khác, theo đại diện Bộ Tài chính, cơ cấu thu ngân sách đang chuyển dịch theo hướng bền vững hơn. Theo đó, tỷ lệ thu từ hoạt động XNK phụ thuộc rất nhiều các yếu tố của thị trường bên ngoài như từ thu từ dầu thô, xăng dầu các loại, các mặt hàng nguyên liệu dệt, may, da giày, điện thoại, linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử NK, hóa chất…
Tăng cường chống thất thu
Nhằm triển khai các giải pháp thu NSNN năm 2022 đã được ban hành tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị 439/CT-TCHQ về việc “thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2022”.
Qua 5 tháng triển khai, ngành Hải quan đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện rà soát nhiều giải pháp nhằm phấn đấu đạt được cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Trong đó, thường xuyên đồng hành, giải đáp, tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục hải quan, chính sách thuế… cho cộng đồng DN.
Ngoài ra, cơ quan Hải quan cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tăng cường áp dụng CNTT, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất XK phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý thu NSNN của cơ quan Hải quan.
Đặc biệt, cơ quan Hải quan tăng cường chống thất thu qua công tác giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa….
Kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện ngăn chặn việc vận chuyển trái phép, thẩm lậu vào nội địa; NK hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; NK hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá; hàng hóa thuộc diện cấm NK; tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan (hàng quá cảnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng gia công, sản xuất XK…); chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2022 đồng thời không để phát sinh nợ mới trong năm 2022 qua công tác thanh tra, kiểm tra.
Nguồn: haiquanonline.com.vn